Phuï Tröông  

 

BẢN TUYÊN NGÔN CHUNG VỀ TÍN LÝ CÔNG CHÍNH HÓA

 

giữa Liên Hiệp Lutherô Thế Giới và Giáo Hội Công Giáo 

 

 

Ngay trước khi tập sách “Giáo Lý Cẩm Nang” này sắp sửa được đóng gáy, tức vừa được in xong (cả bìa lẫn ruột) lần thứ nhất (12/1999), thì bản tài liệu hết sức quan trọng này mới được phổ biến trên tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, phát hành ngày 24/11/1999, ngày Lễ Kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Vì tính cách rất thích hợp của mình đối với chung Kitô hữu về phương diện Đại Kết, cũng như đối với riêng những người Công Giáo chúng ta đang muốn cập nhật hóa kiến thức Đức Tin của mình, Bản Tuyên Ngôn Chung không thể nào thiếu được trong tập sách “Giáo Lý Cẩm Nang” rất cần thiết này, để nội dung của cả tập sách được toàn vẹn hơn.

 

Để có một cái nhìn khái lược và chính xác về Bản Tuyên Ngôn Chung, Đức Hồng Y Edward I. Cassidy, Chủ Tịch Hội Đồng Tòa Thánh Phụ Trách Cổ Động Hiệp Nhất Kitô Giáo, cũng là vị đại diện Giáo Hội Công Giáo, cùng với Giám Mục Christain Krause, đại diện Liên Hiệp Luthêrô Thế Giới, chính thức ký vào Bản Tuyên Ngôn Chung tại Augsburg, nước Đức, ngày 31-10-1999, đã trình bày cho biết rõ ràng về tiến trình và nội dung của văn kiện này trong cùng tuần san L’Osservatore Romano, trang VI và VII, những điểm chính yếu sau đây.

 

        Trước ngưỡng cửa ngàn năm mới của Kitô Giáo, Liên Hiệp Luthêrô Thế Giới và Giáo Hội Công Giáo đã tiến một bước quan trọng đến việc giải quyết căn nguyên gây ra chia rẽ trong quá khứ. Cả hai bên, vào tháng 6 năm 1998, đã chính thức xác nhận và chấp nhận Bản Tuyên Ngôn Chung về Tín Lý Công Chính Hóa

 

        Bản văn kiện này là hoa trái của hơn 30 năm đối thoại, cả ở cấp quốc tế cũng như quốc gia, giữa anh em Luthêrô và Công Giáo.

 

        Bản Tuyên Ngôn Chung không phải là một lời Tuyên Xưng mới, cũng không phải là  một văn kiện dung hòa. Bản Tuyên Xưng Chung đây muốn tóm tắt những thành quả đối thoại sau một thời đoạn kéo dài 30 năm trời giữa Luthêrô và Công Giáo Rôma về khoản tín lý này, bằng cách nói lên những gì được mỗi một cộng đồng tin tưởng chủ trương nơi những sự thật nền tảng về khoản tín lý ấy, cũng như cho thấy việc hai bên cắt nghĩa về những sự thật nền tảng ấy không tương khắc với nhau

 

        Phương pháp trình bày đó là, đầu tiên nêu lên đức tin chung đối với mỗi một sự thật được bàn tới, sau đó, nếu cần thì cắt nghĩa đường hướng hay những điểm nhấn mạnh được mỗi bên chủ trương theo truyền thống của mình về sự thật đặc biệt ấy.

 

        Bản văn kiện trình bày khá chi tiết về bảy vấn đề căn bản cùng được hiểu chung với nhau sau đây:

1.      Tình Trạng Loài Người Bất Lực và Tội Lỗi Liên Quan đến Việc Công Chính Hóa;

2.      Việc Công Chính Hóa là Việc Tha Thứ Tội Lỗi và là Việc Làm Nên Chính Trực;

3.      Việc Công Chính Hóa bởi Ân Sủng và nhờ Đức Tin;

4.      Người Được Công Chính Hóa như là Một Tội Nhân

5.      Lề Luật và Phúc Âm;

6.      Việc Bảo Đảm Phần Rỗi;

7.      Các Việc Lành Phúc Đức của Người Được Công Chính Hóa.

 

        Không thể nào đi sâu vào chi tiết của những gì chất chứa trong Bản Tuyên Ngôn Chung ở bài viết này. Tuy nhiên, tôi phải trình bày những gì nói lên ba sự thật căn bản về khoản tín lý công chính hóa, được Giáo Hội Công Giáo và Liên Hiệp Luthêrô Thế Giới cùng nhau công nhận. Những sự thật này được thấy ở Tiết 3, các số từ 14 đến 18, trong Bản Tuyên Ngôn Chung.

 

        Thứ nhất, việc công chính hóa là một tặng ân nhưng không do Thiên Chúa Ba Ngôi ban cho, được bắt nguồn từ con người của Đức Kitô, Đấng đã nhập thể, tử nạn và phục sinh. Được liên kết với con người của Đức Kitô, nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần, chúng ta được ở trong tình trạng công chính hóa. Tình trạng này không phải là những gì chúng ta lập được mà là do hoàn toàn nhận lãnh… (xem số 15)

 

        Thứ hai, chúng ta nhận được ơn cứu độ này bằng đức tin. Chính đức tin cũng là một tặng ân của Thiên Chúa ban qua Thánh Thần, Đấng hoạt động bằng lời Chúa cũng như bằng bí tích trong cộng đồng các tín hữu, và là Đấng cũng làm cho các tín hữu canh tân đời sống sẽ được Thiên Chúa hoàn thành ở sự sống đời đời. Bởi thế, thực tại của việc công chính hóa được gắn liền với đức tin, không phải như là một ưng thuận thuần lý của trí khôn. Trái lại, người tín hữu phải hiến bản thân nam/nữ của mình cho Chúa Kitô bằng việc canh tân đời sống.

 

        Thứ ba, việc công chính hóa nhắm đến chính cốt lõi của sứ điệp Phúc Âm, thế nhưng việc này cần phải được đặt trong một cơ cấu duy nhất liên quan đến tất cả mọi chân lý khác của đức tin nữa, như chân lý đức tin về Chúa Ba Ngôi, về Kitô Học, về Giáo Hội Học và về Các Bí Tích… (xem số 18)

 

        Việc cùng nhau hiểu về việc công chính hóa được diễn tả trong Bản Tuyên Ngôn Chung có tính chất Ba Ngôi và lấy Đức Kitô làm tâm điểm. Bản Tuyên Ngôn Chung (số 15) đã nói lên cốt lõi của kiến thức chung này là: ‘Theo đức tin, chúng ta cùng nhau xác tín rằng, công chính hóa là việc Thiên Chúa Ba Ngôi làm… Bởi thế, việc công chính hóa có nghĩa là chính Chúa Kitô là sự chính trực của chúng ta, một sự  chính trực chúng ta được thông phần vào nhờ Chúa Thánh Thần theo ý Chúa Cha’…

 

        Trong việc xác nhận Bản Tuyên Ngôn Chung này, thẩm quyền bên Luthêrô cũng như bên Công Giáo đã thực sự cho thấy rằng, khoản tín lý về việc công chính hóa được trình bày trong văn kiện ấy không phản nghịch với giáo huấn về khoản tín lý này, nơi những nguồn huấn quyền của cả đôi bên, Công Đồng Chung Triđentinô bên phía Công Giáo, và Bản Các Điều Tuyên Tín bên phía Luthêrô. Trái lại, khoản tín lý này vẫn được minh nhiên tiếp tục hiểu một cách chính thức như nó đã được cả hai bên phác họa từ thế kỷ 16.

 

        Thế nhưng, làm sao chúng ta lại kết luận như vậy được? Những nghiên cứu về lịch sử cũng như về tín điều, nhất là theo mối liên hệ về đại kết qua những thời gian gần đầy, đã cho thấy cái môi trường tranh cãi ở thế kỷ 16, dính dáng đến cả chính trị, xã hội, thần học và triết lý là những gì lúc bấy giờ đã gây ảnh hưởng đến việc mỗi bên phác họa ra những hiểu biết của mình về khoản tín lý này, cũng như đến việc mỗi bên lên án quan niệm của nhau về khoản tín lý ấy…

 

        Nếu khoản tín lý về việc công chính hóa là ‘điểm chính yếu của cuộc tranh cãi hồi thế kỷ 16’, thì giờ đây chúng ta có thể đặt vấn đề, vậy việc đồng ý với nhau giữa Liên Hiệp Luthêrô Thế Giới và Giáo Hội Công Giáo về khoản tín lý này để giải quyết tình trạng xung khắc giữa người Công Giáo và Luthêrô cho xong, là việc đồng ý ở mức độ nào?… Bản tuyên ngôn này đã mang Giáo Hội Công Giáo và các giáo hội thuộc Liên Hiệp Luthêrô Thế Giới xác nhận nó tiến đến một bước gần gũi nhau rõ ràng hơn. Tuy nhiên, cả hai vẫn chưa đạt tới mục tiêu hiệp nhất với nhau hoàn toàn về hình thức…”

 

        Quan niệm về ‘đam mê’ được hiểu khác nhau giữa hai bên Công Giáo và Luthêrô. Theo bản văn về Các Điều Tuyên Tín của Luthêrô thì ‘đam mê’ được hiểu là ước muốn tìm mình nơi con người, là những gì, nếu hiểu tinh thần về ý nghĩa của Lề Luật, được coi như tội lỗi. Theo Công Giáo hiểu thì đam mê chỉ là một khuynh hướng hạ, còn tồn tại nơi con người, ngay cả sau khi họ đã lãnh nhận phép rửa, một khuynh hướng hạ bởi tội lỗi mà có và đẩy con người đến việc phạm tội. Mặc dầu hai bên khác nhau ở điểm này, theo quan điểm Luthêrô, cũng được hiểu là ước muốn đó có thể mở đường làm dịp cho tội lỗi tấn công. Vì quyền lực tội lỗi mà toàn thể nhân loại mang trong mình khuynh hướng chống lại Thiên Chúa. Khuynh hướng này, theo cả quan niệm của bên Luthêrô và Công Giáo, đều ‘không xứng hợp với ý định nguyên thủy của Thiên Chúa về con người’…”

(Chi tiết cuối cùng trên đây được trích từ Phần Phụ Thêm của Bản Công Bố Chung,

một bản công bố chung để cùng nhau xác nhận Bản Tuyên Ngôn Chung: cùng nguồn, trang V)

 

Sau đây là nguyên văn Bản Tuyên Ngôn Chung về Vấn Đề Tín Lý Công Chính Hóa 

DẪN NHẬP

 

1-      Tín lý về việc công chính hóa là một tín lý quan trọng bậc nhất đối với Phong Trào Cải Cách Luthêrô ở thế kỷ 16. Tín lý về việc công chính hóa này được coi là ‘tiên sự và chính sự’ (The Smalcald Articles, II, 1; Book of Concord, 292), đồng thời cũng là ‘vị lãnh đạo và là quan phán trên tất cả mọi tín lý Kitô Giáo khác’ (‘Rector et judex super omnia genera doctrinarum’ Weimar Edition of Luther’s Works [WA], 39, I, 205). Tín lý về việc công chính hóa được nắm giữ và bảo vệ một cách riêng biệt theo thể thức Cải Cách và theo thẩm định đặc biệt, trái với Giáo Hội Công Giáo Rôma cũng như thần học Công Giáo Rôma thời bấy giờ, một giáo hội và một nền thần học nắm giữ và bảo vệ tín lý về việc công chính hóa có tính chất khác. Theo quan điểm Cải Cách, việc công chính hóa là phần nan giải nhất trong tất cả mọi tranh luận. Việc lên án nhau về phương diện tín lý đã được đặt ra, ở cả trong Các Điều Tuyên Tín của Luthêrô cũng như ở Công Đồng Chung Triđentinô của Giáo Hội Công Giáo Rôma. Những điều lên án này vẫn còn hiệu lực tới ngày nay, và cũng vì thế đã gây nên việc chia rẽ giáo hội.

 

2-      Đối với truyền thống Luthêrô, tín lý về việc công chính hóa vẫn nắm giữ vai trò đặc biệt của mình. Bởi thế, từ ban đầu, tín lý về việc công chính hóa ấy đã chiếm một vị trí quan trọng trong cuộc đối thoại chính thức giữa Luthêrô và Công Giáo Rôma.

3-      Phải đặc biệt lưu ý đến những bản tường trình sau đây: ‘Phúc Âm và Giáo Hội’ (1972) cũng như ‘Giáo Hội và Việc Công Chính Hóa’ (1994) của Ủy Ban Chung giữa Luthêrô và Công Giáo Rôma, ‘Việc Công Chính Hóa bởi Đức Tin’ (1983) của cuộc đối thoại giữa Luthêrô và Công Giáo Rôma ở Hoa Kỳ, và ‘Những Điều Lên Án Thời Cải Cách – Chúng có còn Chia Cách hay chăng?’ (1986) của Nhóm các Thần Học Gia Thệ Phản và Công Giáo ở Đức Hoạt Động cho Đại Kết. Có một số trong những bản tường trình này đã được các giáo hội chính thức công nhận. Điển hình quan trọng trong vấn đề công nhận này đó là việc Giáo Hội Luthêrô Tin Lành Liên Hiệp ở Đức đã đáp ứng chặt chẽ đối với việc nghiên cứu ‘Các Điều Lên Án’ được thực hiện năm 1994, ở mức độ nhìn nhận cao nhất của giáo hội, cùng với các giáo hội khác thuộc Giáo Hội Tin Lành ở Đức.

 

4-      Trong vấn đề hai bên bàn luận về tín lý của việc công chính hóa, tất cả những bản tường trình về đối thoại cũng như các đáp ứng đều cho thấy mức hợp nhau cao độ nơi những đường lối và kết luận của mình. Bởi thế, đã đến lúc cần phải thẩm định và tóm lại các thành quả của các lần đối thoại về việc công chính hóa, để các giáo hội của chúng ta biết đến các hoa trái tổng quát về cuộc đối thoại này một cách chính xác và ngắn gọn cần thiết, nhờ đó có thể đưa ra những quyết định liên hệ.

 

5-      Bản Tuyên Ngôn Chung đây có ý định ấy, ý định là trình bày cho thấy rằng, nhờ việc đối thoại của mình, các giáo hội Luthêrô liên hệ và Giáo Hội Công Giáo Rôma giờ đây có thể nói lên rõ ràng việc hiểu biết chung về việc công chính hóa của chúng ta nhờ ơn Thiên Chúa qua đức tin vào Chúa Kitô. Bản Tuyên Ngôn Chung này không bao gồm tất cả những gì giáo hội hai bên giảng dạy về việc công chính hóa; nhưng bản tuyên ngôn này thực sự bao gồm việc đồng ý với nhau về những sự thật căn bản nơi khoản tín lý công chính hóa, và cho thấy rằng những khác nhau nơi việc cắt nghĩa khoản tín lý này không còn là cớ để kết án nhau về tín lý nữa.

 

6-      Bản Tuyên Ngôn của chúng ta đây không phải là một trình bày mới mẻ không có dính dáng gì tới các bản tường trình và văn kiện đối thoại từ trước đến nay, một bản trình bày thay thế cho những bản tường trình và văn kiện này. Trái lại, như phần phụ đính của các nguồn liệu cho thấy (cùng nguồn, trang III và IV), bản tuyên ngôn đây lập lại các điều cần phải căn cứ cùng những luận cứ của các điều cần phải căn cứ ấy.

 

7-      Như chính các cuộc đối thoại, Bản Tuyên Ngôn Chung này cũng được dựa vào niềm xác tín là, trong việc thắng vượt các vấn đề tranh luận và lên án nhau về tín điều xưa kia, giáo hội hai bên không được coi nhẹ các điều lên án ấy, cũng như không được chối bỏ quá khứ của mình. Ngược lại, Bản Tuyên Ngôn này được thành nên bởi niềm xác tín là, theo giòng lịch sử tương kính của mình, giáo hội hai bên chúng ta đã có những cái nhìn thấu đáo mới mẻ. Có những phát triển đã diễn tiến, những phát triển chẳng những khả dĩ mà còn đòi giáo hội hai bên phải khảo sát các vấn nạn về việc phân rẽ cùng với các điều lên án nhau nữa, và nhìn vào những điều lên án nhau này theo chiều hướng mới.